Contents
1. GỖ CÔNG NGHIỆP MFC
MFC là từ viết tắt của Melamine Faced Chipboard, là loại ván gỗ dăm phủ nhựa melamine. Gỗ MFC có ứng dụng vô cùng rộng rãi đặc biệt là trong lĩnh vực nội thất văn phòng, nhà ở, chung cư cao cấp, trường học, bệnh viện….
Gỗ công nghiệp MFC được sản xuất từ gỗ rừng trồng. Có những cây gỗ được trồng chuyên để sản xuất loại gỗ MFC như keo, bạch đàn, cao su… Các cây này được thu hoạch ngắn ngày, không cần cây to. Người ta băm nhỏ cây gỗ thành các dăm gỗ, kết hợp với keo, ép tạo độ dày. Hoàn toàn không phải sử dụng gỗ tạp, phế phẩm như mọi người vẫn nghĩ.
Có 2 loại MFC phổ biến nhất là: MFC thông thường và MFC lõi xanh chống ẩm.
- MFC thông thường: Cấu tạo gồm phần lõi là dăm gỗ kết hợp keo ép tạo liên kết, bề mặt phủ melamine, phù hợp để làm nội thất văn phòng, bàn làm việc, tủ áo, giường ngủ….
- MFC chống ẩm: Tương tự như MFC thông thường nhưng phần lõi được bổ sung thêm keo chịu nước (có màu xanh đặc trưng), để sử dụng cho khu vực thường xuyên tiếp xúc với nước hoặc khu vực ẩm ướt như tủ bếp.
2. GỖ CÔNG NGHIỆP MDF
MDF là từ viết tắt của Medium Density Fiberboard. Công nghệ và nguyên liệu sản xuất MDF cũng giống như MFC. Tuy nhiên, gỗ được xay nhuyễn thành sợi chứ không phải là dăm gỗ như MFC nên MDF có chất lượng tốt hơn ván dăm. Đây là vật liệu được sử dụng rộng rãi nhất trong nội thất nhà phố, căn hộ.
Với bề mặt nền MDF phẳng mịn, MDF phủ melamine có thể đáp ứng được yêu cầu cao hơn về mặt kỹ thuật, đặc biệt với các bề mặt trang trí cần có độ bóng, độ mịn cao, giúp các bề mặt này đạt được hiệu ứng cao nhất, các chi tiết cần khoan định hình, phủ sơn cũng tương đối sắc nét hơn.
Tuỳ thuộc vào nhu cầu thẩm mỹ, MDF có thể được xử lý linh hoạt bằng cách: phủ melamine, sơn bóng, sơn mờ, phủ acrylic bóng gương…..
Có 2 loại MDF phổ biến nhất là: MDF chuẩn và MDF lõi xanh chống ẩm.
- MDF chuẩn: Cấu tạo gồm phần lõi mịn đặc, bề mặt phủ melamine, sơn bóng, sơn mờ, phủ acrylic…, phù hợp để làm nội thất dân dụng (giường, tủ, bàn ghế,….) hoặc nội thất văn phòng phân khúc cao cấp.
- MDF chống ẩm: Tương tự như MDF chuẩn nhưng phần lõi được bổ sung thêm keo chịu nước (có màu xanh đặc trưng), để sử dụng cho khu vực thường xuyên tiếp xúc với nước hoặc khu vực ẩm ướt như tủ bếp.
3. GỖ CÔNG NGHIỆP HDF
HDF là từ viết tắt của High Density Fiberboard. Tấm gỗ HDF được sản xuất từ bột gỗ của các loại gỗ tự nhiên. Bột gỗ được xử lý kết hợp với các chất phụ gia làm tăng độ cứng của gỗ, chống mối mọt, sau đó được ép dưới áp suất cao (850-870 kg/cm2) và được định hình thành tấm gỗ HDF.
Kết cấu bên trong của HDF có mật độ gỗ cao hơn các loại ván thường nên gỗ HDF đặc biệt chống ẩm, cách âm, chống cong vênh tốt hơn. Nhìn sơ bộ bề ngoài, gỗ HDF khá giống MDF nên người dùng cần có sự am hiểu nhất định về gỗ mới có thể phân biệt được.
Do tính ổn định và mật độ gỗ mịn nên được ứng dụng chủ yếu trong làm sàn gỗ.
4. GỖ CÔNG NGHIỆP PLYWOOD
Gỗ công nghiệp Plywood hay còn gọi là gỗ dán, được hình thành từ nhiều miếng gỗ tự nhiên lạng mỏng và ép vào nhau. Các lớp này được dán lại với nhau bằng keo Phenol hay Formaldehyde, sau đó được ép bằng máy ép thủy lực. Cũng chính nhờ loại keo này mà gỗ Plywood ít bị cong vênh hay co rút bởi nhiệt độ.
Chúng là sự sáng tạo của ngành kỹ thuật ra đời từ những năm 1980 tại NewYork và đến đầu những năm 1990 chúng ta đã thấy sự xuất hiện của loại ván ép này tại các nhà máy trực thuộc các công ty quốc doanh tại Việt Nam.
Cũng như các loại gỗ khác, chúng ta có thể dùng Plywood để sản xuất nội thất được, đặc biệt là với công nghệ phủ venner, laminate thì với đặc điểm cứng và bền của Plywood cộng thêm bề mặt đẹp của veneer sẽ cho hiệu quả tuyệt vời. Tuy nhiên, vật liệu này lại ít khi được dùng làm đồ nội thất dân dụng.
5. GỖ CÔNG NGHIỆP WPC (GỖ NHỰA)
Gỗ nhựa là loại vật liệu mới, tên kỹ thuật thường gọi là WPC. Đây là một loại nguyên liệu tổng hợp, được tạo thành từ bột gỗ và nhựa (có thể sử dụng nhựa HDPE, PVC , PP, ABS, PS,…). Ngoài nhựa và bột gỗ, WPC còn có thể chứa một số chất phụ gia làm đầy có gốc cellulose hoặc vô cơ.
Gỗ nhựa cũng có kiểu dáng và màu sắc đa dạng, có nhiều mẫu vân gỗ, vân đá không khác gì sản phẩm tự nhiên, có thể sơn phủ lên bề mặt như các loại gỗ khác.
Cái tên cũng phần nào nói lên đặc tính. Gỗ nhựa dễ dàng cố định hoặc uốn cong để tạo hình. Không những vậy, tính năng nổi bật nhất của gỗ nhựa là chống nước nên thường được sử dụng trong các khu vực toilet hoặc kệ máy giặt ngoài ban công.